Ráng Chiều Tà – Tôi Là Bà Nội Khang Hi
Phan_3
Vấn đề cấp bách nhất trước mắt là ngôn ngữ, tôi dốt đặc cán mai tiếng Mãn, tiếng Mông thì chỉ mới nghe qua “Cát tường tam bảo”, lại còn ù ù cạc cạc chả rõ ý nghĩa lắm. Trước đây tôi đều giao các văn kiện cho Tô Mạt Nhi xử lý; gặp những bản phải đích thân tự duyệt, tôi liền mượn cớ váng đầu hoa mắt để Tô Mạt Nhi đọc dịch thành tiếng Hán, tôi cố gắng không động bút vì ngay cả chữ phồn thể tôi cũng viết không được; huống chi chữ Mãn, Mô đều phải toát lên cốt cách Thái hậu, tôi chỉ việc phân phó Tô Mạt Nhi viết hộ rồi đóng ấn Thái hậu lên là xong. Tôi rất biết ơn người đã phát minh ra con ấn, nếu không có nó, tôi chỉ biết in vân tay hoặc vẽ vòng tròn thôi, chắc chắn sẽ lộ. Nghĩ đến số mệnh chính trị của tôi vẫn còn dài, che che giấu giấu chả phải kế lâu dài; thế nên thừa dịp hiện tại Phúc Lâm đang bận rộn, tôi nghiêm túc tập luyện một chút, chẳng cần ghi công chỉ cầu không thất bại, miễn là lớp da hổ của Hiếu Trang vẫn còn tác dụng, có thể cho tôi an dưỡng tuổi già.
Tôi cân nhắc một chút bèn hướng mục tiêu về phía Thường Trữ, bé vừa hơn ba tuổi, đúng lúc đang học lớp vỡ lòng, tôi có thể vờ như quan tâm đến sự nghiệp học hành của cháu trai để nhân đấy học lỏm. Vì thế, hình bóng của tôi thường xuyên xuất hiện trong thư phòng. Phút chốc, triều đình và dân gian đều tán dương Thái hậu hiền đức đích thân giáo dưỡng Hoàng tôn, tránh khiến Hoàng thượng lo phiền chuyện nhà, v.v… Kết quả là các đại thần bắt đầu xem trọng việc giáo dục con trẻ, quan dân đồng lòng, cả nước hình thành bầu không khí hiếu học, sau này triều Khang Hy có rất nhiều bề tôi tận lực đều từ trong khoảng thời gian này mà học thành tài. Ầy, trong lúc vô tình cắm liễu, liễu lại tỏa bóng râm rồi.
Canh năm mỗi ngày, tôi rời giường đến học với Thường Trữ, thi đại học cũng chả đến nỗi vất vả như vậy, ngay cả Phúc Lâm cũng áy náy, “Hoàng ngạch nương vất vả thế này khiến nhi thần rất lo lắng.” Hầy, cậu nghĩ tôi tự nguyện à, tôi bất đắc dĩ mới phải làm vậy đấy! Tôi đáng thương quá, khó khăn lắm mới đậu đại học, cứ nghĩ là ‘tự do vui vẻ bốn năm’, ai mà ngờ đụng chuyện này, thế mà xuyên không đến đây, cứ nghĩ là thành Thái hậu muốn làm gì thì làm; kết quả thì sao, mỹ nam đàng hoàng thì chưa thấy, của cải nhân dân vét chả thành, giết người bừa bãi chẳng cơ hội, bà này còn phải học lại từ đầu. Nghe nói người trên ba mươi đều chẳng học được nữa, tôi thì đã quá năm mươi rồi, sao khổ vầy chứ? Ông trời chết tiệt, ông phất một phát tôi liền mất hơn hai mươi năm, sao ông không phất cho cái đám rắc rối này biến mất luôn đi? Giao dịch lỗ vốn rồi! Tôi lại muốn khóc.
Trong Tử Cấm thành oi bức, tai mắt người nhiều, phiền não lại chả kém, thế nên tôi đưa Thường Trữ đến Nam Uyển, còn Phúc Toàn lớn hơn, nhiệm vụ học tập nặng nề hơn, đành phải nước mắt lưng tròng đứng cửa cung vẫy tay từ biệt chúng tôi.
Đến Nam Uyển rồi tôi mới thoải mái được chút, không bị hạn chế bởi cung quy, tất cả đều nghe theo lời tôi, cuối cùng cũng đã tìm lại được cảm giác làm Thái hậu. Tôi sửa thời gian học thành buổi chiều, rốt cục đã có thể ngủ thẳng đến khi tỉnh; nhưng thật đáng buồn, tôi đã quen với giờ sinh học, chưa đến canh năm đã tỉnh, có làm sao cũng chả thể ngủ tiếp được, thế mà thằng nhóc Thường Trữ lại ngủ đến là say giấc, tức thật! Chẳng thể chịu đựng cảnh ai ai cũng ngủ chỉ tôi bơ vơ lẻ loi, thế nên tôi sửa giờ giấc về như cũ, mỗi sáng sớm thấy Thường Trữ ngáp, lòng tôi lại cân bằng.
Học ngôn ngữ tiến triển rất chậm vì trong đại não Hiếu Trang còn rất ít chất xám, vả lại lão hóa nên thường tự động loại bỏ kiến thức, tôi hơi sốt ruột, xém nữa đã bỏ nhà ra đi, chả quản cái gì mà sống chết của Đại Thanh nữa. Nhưng thân là Thái hậu, chả kể đến tường đồng vách sắt chung quanh cũng phải nghĩ tới thời gian không tha bất cứ ai, bây giờ tôi – một bà già, chạy không nhanh lại nhảy chẳng lên thì có thể làm được gì chứ?
Tôi cuống đến độ xoay mòng mòng, đành phải gọi Tô Mạt Nhi, ấp úng bảo rằng sau khi tôi ngã dạo ấy liền thấy tất cả mọi thứ cứ mơ mơ hồ hồ, muốn mời một người tinh thông văn hóa Mãn, Hán, Mông đến thuật lại, cố gắng tìm về chút gì đó. Còn dặn cô ta không được để lộ, tránh tình trạng triều đình cùng quần chúng nghi ngờ, tìm đến phiền phức không cần thiết. Tô Mạt Nhi bày ra vẻ mặt ‘nô tỳ làm việc thì Người cứ yên tâm’ cho ta xem rồi lui xuống.
Chưa đến vài ngày, Tô Mạt Nhi báo rằng đã tìm được người thích hợp sống gần đây, tên Nạp Lan Vô Trần, là người thuộc tộc Nạp Lan. Nhưng do cậu ta hiềm kiêng kị, không tiện đi xa, tôi phải tự mình đến đấy. Cuối cùng, Tô Mạt Nhi bẩm lại rằng: “Nạp Lan công tử chuyên tâm tham thiền* (tu dưỡng Phật pháp), bấy lâu không màng việc đời, do trước đây nô tỳ từng cứu mẫu thân y nên y mới đáp ứng. Nô tỳ chỉ nói rằng Người là biểu tỷ của mình, họ Kim, góa bụa.” Ầy, trước giờ chả phải tôi cũng ở góa sao, ai bảo tôi gả cho Hoàng đế chứ, ông ta là quả nhân, tôi chỉ có thể làm quả phụ.
Hầy, tôi phát hiện chỉ mấy tháng sau khi mình xuyên đến nơi này, tôi đã đem buồn phiền cả đời ra than thở hết mất rồi.
Chương 5: Gặp lại cố nhân xưa
Một hôm trời chiều quang đãng, Tô Mạt Nhi đưa tôi đến trang viên nọ, gác cổng kính cẩn mời chúng tôi vào hậu viện, dừng lại thưa rằng Vô Trần không thích gặp nhiều người, tôi phải vào trong một mình.
Tôi đẩy cửa viện, đập vào mắt là một hòn non bộ bằng đá ong, vòng ra sau, oa, một vườn hoa thật đẹp phỏng theo tạo hình của Tô Châu lâm viên, thế tựa núi, dòng suối uốn lượn từ trên cao chảy xuống đến giữa vườn thành hồ nhỏ, cạnh hồ có đình thủy tạ nghỉ mát và cả cầu khúc nối thẳng đến bờ kia, chỉ tiếc bấy giờ mùa đông cây cỏ trơ trụi, nếu không thì xung quanh đã trùng điệp một màu xanh mướt, chắc sẽ càng nên thơ. Tôi vốn là người miền Nam, nhìn thấy phong cảnh quen thuộc thân thương, bất giác, tính trẻ con lại trỗi dậy. Đến gần chiếc cầu, bốn phía không ai, tôi vén váy lên nhảy lò cò. Tấm thân già khằn này hãy còn dùng được, thế mà lại có thể nhảy đến tận bờ đối diện. Tôi đứng ở đầu cầu chống hông thở hổn hển, chờ sau khi hơi nóng trên mặt giảm bớt mới vuốt thẳng trang phục, trưng lên vẻ mặt nghiêm túc, bước loạng choạng đến thư phòng đằng trước.
Tôi gõ cửa, bên trong nói “Mời vào”, đẩy cửa ra, căn phòng hơi tối, mắt tôi không kịp thích ứng, chỉ mơ hồ thấy người đứng trước cửa sổ hẳn là Vô Trần, tôi kính lễ một câu “Ra mắt Nạp Lan công tử.” Người nọ xoay lại đáp: “Kim phu nhân đừng đa lễ, người có thể gọi vãn bối là Vô Trần.” Sau đấy, anh ta hướng tay về chiếc ghế kê cạnh bàn sách “Mời ngồi.” Giọng nói rất êm tai, tôi cảm ơn rồi ngồi xuống, thị lực từ từ khôi phục lại.
Th론lúc anh ta rót trà cho mình, tôi nhìn quanh đánh giá căn phòng, chỉ thấy phía sau và bên trái chiếc bàn có hai giá dựa tường với đầy những sách, đối diện bàn là cửa, kề cánh cửa bày vài chậu cây xanh, còn bên phải, bên phải… Trời ạ! Trời ạ! Không phải chứ? Nhìn ra ngoài cửa sổ, toàn cảnh của cả khu vườn được thu vào tận đáy mắt, mà cửa sổ bấy giờ đang mở, lúc nãy anh ta đứng trước cửa sổ; nói trắng ra, tất cả hành động tôi đã làm đều “được” anh ta “thưởng thức”. Trời ơiiii! Sét đánh tôi đi! Nếu tôi trong thân xác cũ thì có thể xem là vẫn còn ngây thơ, biết đâu chừng có người còn bảo đáng yêu, còn hiện tại, trong cái vỏ mắt mờ mi bạc già khằn này, tôi như một trái dưa chuột héo quắt quét sơn xanh lè — giả dưa non thôi. Trời ơi! Cái tên quái thai này, mùa đông lạnh lẽo giá rét như vậy, anh mở cửa sổ làm quái gì thế?
Tôi há hốc mồm ngẩn ngơ nhìn cửa sổ, hồi lâu vẫn chưa thể tỉnh lại trong kinh hoàng. “Vừa nhóm lò, mùi than trong phòng rất nặng, mở cửa sổ thông gió.” Anh ta đi qua đóng cửa sổ, quay về nói với tôi. Tôi lắp bắp hỏi: “Ừm… Lúc nãy… Cậu đứng trước cửa sổ… bao lâu thế?” Khóe miệng anh ta run run, ánh mắt né tránh, mặt hồng hồng, cũng đáp lắp bắp “Chưa… Chưa lâu, tôi chưa thấy gì hết.” Đây chả phải giấu đầu lòi đuôi à? Thôi xong, anh ta nhìn hết rồi, bảo tôi phải giấu bản mặt già nua này vào đâu đây? Tôi che mặt than thở. Anh ta vội vàng giải thích: “Thật sự tôi chưa thấy gì mà.” Càng bôi càng đen, thấy anh ta bối rối hơn mình, tôi trấn tĩnh trở lại, ngẩng đầu liếc qua thì thấy hai tai anh ta đều đỏ cả, nếu anh ta muốn cướp cảnh thẹn thùng thì tôi đành nhường thôi, sách lược duy nhất bây giờ là ‘lấy mặt trơ ứng vạn biến’ vậy.
Bình tĩnh lại, tôi khụ một tiếng: “Vô Trần, hôm nay chúng ta phải học những gì?” Vô Trần thấy tôi thản nhiên cũng từ từ định thần, ngồi xuống chiếc ghế đối diện tôi, lấy một quyển sách ra. Bấy giờ tôi mới nhìn rõ diện mạo của anh ta. Chộ ôi! Soái ca nha! Định luật xuyên không chắc chắn gặp trai đẹp rốt cuộc cũng ứng nghiệm, tôi suýt nữa mừng đến bật khóc, đôi mắt đáng thương của tôi rốt cuộc cũng có thể mãn nhãn rồi.
Nhưng, có gì đó không đúng ở đây…
“Á!!!” Tôi sợ hãi thét lên,Vô Trần bị tôi dọa đến giật mình biết điều gì bất ổn rồi, tôi đã từng thấy gương mặt đó, tôi chỉ vào anh ta “Anh, tên họ Sở kia!” Đúng thế, đó chính là gương mặt của Sở Y Phàm. Xuyên về cổ đại lâu đến vậy rồi, tôi lo oán trời trách đất mà lại quên mất cái tên đầu sỏ gây ra tất cả mọi chuyện, nếu chả vì anh ta hẹn tôi đến cửa Tây, nếu chẳng do anh ta chèn ép tôi, sao tôi có thể bị xe đụng, sao tôi có thể xuyên đến đây chứ? Đều là anh ta hại! Lẽ nào anh ta cũng xuyên về đây? Không công bằng chút nào, sao anh ta xuyên cả thân xác, còn tôi lại nhập vào một bà già? Đau buồn, phẫn nộ, bất bình, tôi muốn trả thù, trả thù gấp đôi. Tôi nghiến răng nghiến lợi: “Tên họ Sở kia, ông trời thật có mắt vì đã cho anh lọt vào tay tôi!”
Vô Trần bị vẻ mặt đáng sợ của tôi dọa đứng hình, lắp bắp phân bua: “Kim… Kim phu nhân, tôi… tôi không phải họ Sở, tôi… tôi là Nạp Lan Vô Trần.” Tôi thu nanh vuốt lại, quan sát kỹ một lúc, đúng là hơi khác, non nớt hơn tên Sở kia, quan trọng là thần sắc kinh hãi, tựa như rất sợ điệu bộ của tôi. Họ Sở trước giờ chưa bao giờ thế này, anh ta luôn giữ cái vẻ khốn nạn như muốn ăn sống nuốt trôi tôi. Do dự rút tay về. Thôi, giữ lại cân nhắc vậy, tuy rất muốn hạ sát nhưng vẻ ngoài anh ta đẹp thế, nhỡ giết nhầm thì tiếc lắm.
Tôi bình ổn cảm xúc, cười mỉm nói: “Thật xin lỗi, Vô Trần, cậu rất giống kẻ thù của ta, ta nhất thời có hơi kích động. Chúng ta bắt đầu học thôi.” Vô Trần lộ ra vẻ mặt hoài nghi ‘chỉ hơi kích động thôi à?’, lại không dám nhiều lời, chỉ đành lật sách giảng bài cho tôi, nhưng rõ ràng cơ thể anh ta cố giữ thật thẳng, tư thế nọ cứ như chuẩn bị phóng ra cửa bất cứ lúc nào có cơ hội.
Sau này vào mỗi buổi chiều, tôi đến chỗ Vô Trần nghe giảng, đến khi Thường Trữ bị tôi tống cổ về cung thì sáng nào cũng đến, đại loại là trời còn nắng thì tôi còn ngâm mình trong nhà anh ta. Sau giai đoạn quan sát gần, cuối cùng tôi cũng tin rằng anh ta không phải họ Sở kia, khiêm tốn lễ phép, học thức uyên bác lại rất dễ thẹn thùng, là một cậu bé thật đáng yêu, tốt gấp mấy lần tên Sở. Nếu chả vì cái bản mặt già to bự này, tôi thật muốn theo đuổi anh ta.
Sau vài lần tiếp xúc, Vô Trần rốt cuộc đã hết sợ tôi, anh ta gọi tôi là ‘Kim đại nương’, buồn thay số kiếp đã định phải lớn hơn người khác một thế hệ, mỗi lần anh ta gọi, tim tôi cứ rỉ máu để nhắc chính mình không có ý nghĩ quá quắt, trên đời còn có việc nào tàn nhẫn hơn chuyện này không? Cho tôi nhìn lại chả để tôi ăn.
Ngoài việc học, chúng tôi còn ngồi tán gẫu. Nhờ đấy tôi biết anh ta hai mươi bốn tuổi, sức khỏe lúc nhỏ không tốt, nhiều lần tưởng chừng đã chết, từng có cao tăng khuyên anh ta xuất gia nhưng bố mẹ không bằng lòng. Về sau nghe sư phụ của mình – Hư Vân đại sư bảo rằng không cần xuất gia, chỉ sống tách khỏi người đời, trước hai mươi lăm tuổi không tiếp xúc với thiếu nữ thì có thể trường thọ. Từ lúc đến ở cùng sư phụ tại đây, anh ta thật sự dứt bệnh, bố mẹ tin tưởng hơn nên cứ sống vậy đến nay. Lúc đầu, bố mẹ thường xuyên đến thăm, sau khi mẹ anh ta bệnh qua đời, bố cưới thêm vợ mới, có thêm con, số lần đến ít đi.
Có thể thấy anh ta thực sự rất cô đơn; trừ sư phụ, người nhà và tôi tớ, tôi là người ngoài đầu tiên mà anh ta tiếp xúc, nếu chẳng vì bấy giờ tôi già như này, có lẽ cũng chả thể gặp được anh ta. Do ít giao tiếp với người khác, Vô Trần rất đơn thuần, đơn thuần hơn cả Phúc Toàn nữa, nhiều lúc tôi cứ như bậc trưởng bối của anh ta.
Tôi rất thích đến chỗ Vô Trần, tôi khá thoải mái khi ở đây. Vì chưa tiếp xúc với nhiều phụ nữ, anh ta chả nhận ra tôi hành xử không hợp tuổi mình. Anh ta rất thích nghe tôi kể về thế giới bên ngoài, nên rất hoan nghênh tôi đến. Chúng tôi ở cùng nhau rất vui.
Hai tháng sau, sư phụ Vô Trần trở về sau chuyến vân du. Hư Vân đại sư là một hòa thượng già, mày râu đều trắng toát, cuối cùng tôi cũng tìm được một người lớn tuổi hơn, không còn ưu sầu vì mình đội lốt cừu non nữa, theo thuyết tương đối thì tôi quả thật “non” hơn ông ta.
Hư Vân đại sư thấy tôi thì cực kỳ kinh hãi, bấm tay tính toán xong liền than: “Ý trời, thật sự không thể trái ý trời!” Sau đấy hỏi tôi: “Cô không phải chính chủ của thân xác này, cô đến từ thế giới kia, đúng chứ?”
Oa, cao nhân đoán đúng rồi, tôi liền nhảy phốc đến chỗ ông ta: “Đại sư, ông có cách đưa tôi về không?”
Hư Vân đại sư lắc đầu: “Tất cả đều có nguyên nhân, phải nhờ vận may của cô thôi.”
Tôi truy hỏi đến cùng: “Đại sư chỉ điểm một chút được không?”
Hư Vân ngâm một tràng: “Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị; dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thụ. (Muốn biết nguyên nhân đời trước như nào, cứ xem hưởng thụ hôm nay; muốn biết kết quả kiếp sau ra sao, cứ xem việc đã làm đời này)”, nói cũng như không.
Sau đấy, tôi luôn bám theo hỏi, ông ta tụng thiền thi* (thơ thiền), gì mà ‘Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong. Nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thụ.* (Giả sử trăm nghìn kiếp, nghiệp đã tạo không bao giờ mất. Nhân duyên khi gặp gỡ, quả báo lại phải chịu.)’ lung tung, tôi mới biết đại khái mình đến nơi này không vì đòi nợ mà là để trả nợ, về phần phải trả cho ai thì chả có manh mối gì, miệng lão hòa thượng kia còn khép nhanh và kín hơn trai nữa. Thế mà ông ta khiến tôi phải bám rịt lấy mình chẳng biết bao lâu, tôi tức đến mức nghiến răng trèo trẹo.
Từ lúc bại lộ thân phận thật, tôi lộ bản chất du côn, chẳng có gì làm liền đến chửi nhau với ông ta, xem ra lão hòa thượng ấy có đạo hạnh rất cao, tôi bất kính nhưng ông toàn cười trừ. Nếu người ngoài thấy được chắc chắn sẽ bị tôi dọa, một bà già năm mươi tuổi có hành động và biểu cảm như một thiếu nữ đôi mươi, cảnh ấy kỳ quái đến mức nào. May là ở đây chẳng ai lui tới, một con vật gì cũng chưa từng bắt gặp, thế nên tôi vẫn duy trì tình trạng này.
Vô Trần tiếp nhận nguồn gốc kỳ lạ của tôi một cách rất dễ dàng, từ đó tôi không cho gọi mình là ‘Kim đại nương’ nữa, bảo anh ta gọi ‘Thanh Thanh’, quả thật nếu không nhìn vào gương, tôi suýt nữa đã cho rằng mình vẫn còn là Lâm Tử Thanh ngày nào. Hòa thượng già đứng bên cười không nói.
Ngày nọ, sực nhớ ra Vô Trần giống Sở Y Phàm đến thế thì chắc chắn hai người phải có mối liên hệ, tôi liền đến hỏi lão hòa thượng kia, bấy giờ ông ta chả vòng vo nữa, nói thẳng với tôi rằng Vô Trần là kiếp trước của Sở Y Phàm. Tôi vội hỏi người dây dưa nợ nần với mình có phải anh ta không, hòa thượng già lại cao thâm khó lường nhả một câu: “Hà tu canh vấn phù sinh sự, chích thử phù sinh thị mộng trung.* (Đừng mãi hỏi về kiếp phù du, tất cả đều là giấc mộng.)” Ông già trọc lại dùng mấy lời mông lung nửa thật nửa giả này lòe mắt tôi.
Sau khi nghĩ lại, tám chín phần mười đó là Vô Trần. Đắn đo một lúc, kiếp sau của anh ta hại tôi kiếp trước, vậy thì đời này tôi đến để đòi nợ rồi; hơn nữa bây giờ anh ta trốn chui lủi như này chắc hẳn là để tránh nợ, cái gì mà trước hai lăm tuổi không được gặp thiếu nữ, rõ ràng thiếu nữ đó chính là tôi; chỉ vì người tính chẳng bằng trời, chả ngờ rằng tôi nhập vào xác một bà già, cuối cùng cũng thất bại trong gang tấc, thế nên hòa thượng già kia vừa thấy tôi liền bảo rằng ‘ý trời’. Đúng thế, chắc chắn là anh ta! Nhưng phải làm sao để trừng trị anh ta đây? Giết thì hơi quá đà, cũng chả thể ngộ sát. Đến hỏi lão hòa thượng? Quên đi, ông ta chắc mẩm sẽ tụng kinh tôi nghe, không thể cho ông ta cơ hội lôi thôi được, tôi sắp bị đống thi từ ấy quấn tới khùng rồi. Nhưng dù có hỏi thì, với khuôn mặt tuấn tú của tên Vô Trần kia, tôi đủ nhẫn tâm à? Hầy, thôi thì thuận theo tự nhiên vậy.
Bấy giờ tôi lại nảy ra nghi vấn, là do kiếp sau của Vô Trần hại tôi, tôi mới đến đây hại anh ta; hay là vì tôi hại anh ta ở đây nên kiếp sau, anh ta mới hại lại tôi? Gì là nhân, nào là quả? Tôi đặt tên cho vấn đề này là “phỏng đoán của Thanh Thanh”, các bạn rảnh rỗi thì ngẫm nghĩ thử xem, không chừng có thể thành một triết gia nổi tiếng ấy chứ!
Cuối cùng không dằn được ý nghĩ, tôi gọi Vô Trần là ‘người chim* (điểu nhân)’, Vô Trần khó hiểu hỏi lý do, tôi nói: “Trong Đường thi, ‘điểu’ đối với ‘tăng’, như câu ‘Điểu túc trì biên thụ, Tăng xao nguyệt hạ môn* (Chim ngủ cây bên ao, Sư gõ cửa dưới trăng)’, hay câu ‘Thì văn trác mộc điểu, Nghi thị khấu môn tăng* (lúc nghe thấy tiếng chim gõ kiến, tưởng chừng như hòa thượng gõ cửa nhà), v.v… Ngày nào anh cũng đối mặt với ông già kia, chả phải người chim à?” Vô Trần bất bình, bảo: “Còn cô thì sao, bây giờ cô cũng lượn lờ chung với sư phụ cùng tôi mà?” Tôi đáp mình cũng là chim thôi, ừm thì phượng hoàng…
Chương 6: Cuộc sống hai mặt
Những ngày ẩn cư nhàn hạ thư thái, vì tâm trạng vui vẻ nên tiến độ học ngôn ngữ của tôi rất nhanh, đọc viết bình thường không vấn đề gì. Tôi ra lệnh Tô Mạt Nhi tìm kinh Phật trước kia Hiếu Trang đã chép, chiếu theo bút pháp ấy luyện chữ, kết quả là chữ Vô Trần viết còn giống bà ta hơn tôi.
Lúc rỗi rãi, tôi đến quấy rối lão hòa thượng kia, dần dần, tạo hình ‘núi bất động’ của lão có nguy cơ ‘sạt lở’.
Ngày nọ, bố Vô Trần đến thăm – lần đầu tiên trong nửa năm, khi tôi tới thì ông ấy đã rời khỏi, Vô Trần hơi bùi ngùi. Ra là mẹ kế anh ta rất điêu ngoa, mụ không thích chồng mình đến thăm con riêng, mỗi lần ông ta đến đều phải giấu giếm, lại phải vội vã trở về. Hư Vân đại sư đứng cạnh lắc đầu than người đời nông cạn ngông cuồng, tôi khích lão: “Bố anh ta là Văn Thù Bồ tát, cũng là đệ tử Phật môn như ông thôi.”
Hòa thượng già không kìm nổi, vặn lại tôi: “Đại bất kính! Đến kinh Phật hắn còn không thuộc, sao có thể là Bồ tát?”
Tôi thủng thỉnh giải thích: “Người đời tôn vợ dữ là sư tử Hà Đông, mà vật cưỡi của Văn Thù Bồ tát là con gì? Sư tử. Nên… vậy đấy!”
Lão vô cùng hối hận vì đã tiếp lời tôi, tôi thì vẫn chưa định tha cho lão: “Thực ra đệ tử Phật môn mới thực sự là những kẻ sợ vợ nhất.”
Vô Trần nghe không lọt tai nữa bèn lên tiếng bênh vực lẽ phải: “Đệ tử Phật môn vốn chẳng có vợ!”
Tôi gật gù: “Đúng rồi, đều sợ tới mức không dám cưới còn gì.” Hòa thượng già đã nói chẳng nên lời.
Tôi vỗ về lão: “Đại sư à, có phải sau khi gặp tôi, cảnh giới của ngài đã cao hơn rất nhiều không?”
Mày trắng lão dựng thẳng lên, Vô Trần cố gắng thoát khỏi tình trạng vi phụ cảm hoài* (vì bố thương cảm) do sợ sư phụ sẽ khai sát giới, vội vàng mời tôi đến hoa viên thưởng mai, tránh xảy ra một trận huyết án.
Cách búi tóc của phụ nữ nhà Thanh rất phiền phức, ở thời hiện đại tôi chưa bao giờ búi tóc cả, sau khi đến đây, dù có cung nữ giúp tôi làm tóc nhưng khoảng thời gian đông cứng trên ghế chán lắm, cài một đống thứ lên đầu cổ quá mệt mỏi, vì thế tôi vô cùng hâm mộ cái đầu bóng loáng của lão già kia. Một hôm không nhịn được, tôi phàn nàn: “Ai quy định vậy nhở? Ai quy định hòa thượng phải cạo trọc, người thường thì để tóc? Phải đảo lại mới đúng, các người là hòa thượng chả làm gì chỉ tụng kinh cả ngày, có cả đống thời gian để chăm sóc tóc, trái lại người trần mắt thịt bọn tôi bận tối tăm mặt mũi, cạo đầu thì tiện làm việc hơn ấy chứ!” Bấy giờ hòa thượng già đã chẳng bất cẩn trả lời tôi, chỉ nhắm mắt niệm Phật. Hừ, dám phớt lờ tôi ư! Phật tổ à, lão ấy muốn tụng phiền chết ngài đấy, ngài nhớ phải “xử” lão nhé, A Di Đà Phật!
Tôi thường nghe lão già cùng Vô Trần luận đàm kinh Phật, dần dần được khai sáng, có thể hiểu một vài từ Kê ngữ* (lời hát trong kinh Phật). Thường ngày luôn bị truy vấn về tương lai vài câu, có lúc hòa thượng bị tôi kích động quá mức, nhất thời không vặn hỏi cũng sẽ lộ ra một ít thông tin. Qua thời gian tổng hợp phân tích, về cơ bản tôi có thể khẳng định Vô Trần là con nợ của tôi, hình như theo lão thì một khi nợ được trả hết, tôi sẽ có hy vọng trở về. Tôi như tuyệt xứ phùng sinh* (từ trong chỗ chết tìm được đường sống), nắm chặt cọng rơm cứu mạng không buông, càng chăm chỉ ép hỏi lão ấy. Ai ngờ sau khi trải qua vài lần bị tôi hành hạ, hòa thượng già liền nâng cao cảnh giác, tôi có làm gì cũng chẳng hỏi được cách thực hiện quyền chủ nợ.
Đáng giận hơn nữa, lão già bắt đầu khuyến khích Vô Trần quy y cửa Phật, nói cái gì mà ‘Vạn duyên phóng hạ, nhất niệm bất sinh* (buông bỏ tất cả, không phiền não nữa)’ thì có thể tránh được một kiếp nạn. Tôi sao có thể để Vô Trần thoát chứ? Anh ta chạy rồi thì ai tới kết sổ với tôi đây? Anh ta không trả nợ thì sao tôi về được? Vì thế, tôi càng điên cuồng dội nước lã, bôi nhọ tăng Phật. Đồng thời vơ vét các chuyện ngôn tình trong trí nhớ, mở mang kiến thức tình cảm cho Vô Trần. Tôi kể chuyện Quỳnh Dao, Tịch Quyên, Cổ Linh,… mô tả tất tần tật các loại phụ nữ cho anh ta nghe, nhất định phải kéo anh ta sa chân xuống hồng trần. Vô Trần đáng thương cứ như một sợi thừng, tôi với lão hòa thượng là hai kẻ chơi kéo co, khiến anh ta lâm vào thế khó xử.
Hôm nay lão già lại đến khuyên nhủ, tôi bên cạnh hừ lạnh: “Chẳng phải ông nói ‘Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong. Nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thụ.’ sao? Anh ta thoát kiếp này cũng chẳng tránh được kiếp sau, thế sao không trả sớm cho rồi.” Này thì tụng kinh, tôi cho ông tự bê đá đập chân mình này.
Vô Trần gật gù bảo phải, lão già thở dài: “Chỉ sợ tiền căn chưa dứt, nghiệt mới lại thành.”
Tôi khinh thường: “Xuất gia có thể giải nghiệt à? Như Lai chẳng qua chỉ là một người bùn, Quan Âm lại là tên điếc, bọn họ tự bảo vệ mình còn không xong, sao cứu giúp được người khác?”
Lão hòa thượng hơi mất hứng, Vô Trần cũng nói: “Không được khinh nhờn thần linh!”
Tôi hỏi: “Như Lai tên gì?” “Thích Ca Mâu Ni.”
“Bởi vậy, Ni thêm bộ Thủy thành chữ Nê* (bùn), chả là người bùn à? Chẳng phải có câu, ‘Bồ Tát qua sông, tự thân khó giữ’ sao, đấy chính là nói ông ta* (một kiểu chơi chữ của tác giả: 尼 [Ni] thêm 水 [bộ Thủy] thành 泥 [Nê], Ni qua sông [nước – bộ Thủy] sẽ thành Nê [bùn]). Còn Quan Âm, âm thanh phải dùng tai đề nghe, ông ta lại dùng mắt để nhìn, đủ thấy ông ta là tên điếc* (lại thêm một kiểu chơi chữ của tác giả: 观音 [Quan Âm] được ghép từ chữ 观 [Quan – xem, nhìn] và 音 [Âm – âm thanh], Quan Âm nếu dịch nghĩa thô thì là ‘nhìn âm thanh’), mỗi lần anh niệm ‘Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, ông ta có từng đáp lại chưa?”
Sắc mặt hòa thượng già rất khó coi, tôi vỗ vỗ cái đầu trọc của lão, thâm ý sâu xa mà nói: “Đại sư à, giới sân* (giữ bình tĩnh, không được nổi đóa), phải nhớ giới sân nhé!”
Vô Trần nói với lão: “Sư phụ, nếu là kiếp nạn của con thì luôn sẽ có một ngày phải trả nợ, cứ để con trả sớm đi, cũng để Thanh Thanh sớm ngày buông bỏ.” Hòa thượng lại muốn khuyên, tôi giành mở miệng: “Phật không ép người cố nhập niết bàn. Kẻ giác ngộ sẽ không miễn cưỡng kiểm soát ý nguyện của người khác.” Lão già thấy chúng tôi rất kiên quyết liền lắc đầu thở dài, sau này không khuyên Vô Trần xuất gia nữa.
Tôi gấp rút truy vấn nên làm gì để hóa giải nợ nần, lão chỉ nói: “Chẳng phải không trả mà là chưa đến lúc.” Thật muốn đạp ông ta hai cái.
Để đề phòng ông già này giở trò quấy phá sau lưng, tôi lợi dụng chức quyền điều một đội binh mã đến, âm thầm giám sát cả sơn trang, cho lão hòa thượng ông khỏi chạy người, chả chạy được cả miếu. Bấy giờ chìa khóa để về nhà tôi đã nắm chắc trong tay rồi, chỉ đợi tìm ra cửa thôi, tôi yên tâm hơn, tràn ngập hi vọng với tương lai.
Qua mấy tháng, tôi cách quãng về cung vài lần, thay qua đổi lại giữa nhân vật Hiếu Trang và Lâm Tử Thanh nên đã có thể hoán đổi thuần thục hai nhân cách, tôi thế mà cảm thấy thú vị, khi kiểm điểm lại bản thân, tôi ngờ ngợ trong người mình có lẽ có gen biến thái.
Đến đầu tháng bảy, Đổng Ngạc phi sắp chết, tôi biết ngày lành của mình gần đến rồi. Lão hòa thượng chả biết thế nào là làm sư ngày nào gõ mõ ngày ấy, tôi không muốn bắt chước lão, tôi là người có trách nhiệm nên, một ngày làm Thái hậu là một ngày tôi can dự vào chính trị, việc này còn vui hơn cả trò chơi hư cấu trên mạng.Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian